Abstract
Trước đây, trong hoàn cảnh chiến tranh, thiếu thốn vật chất, đói nghèo, sự mất mát luôn thường trực, chúng ta đã phải dựa vào ý chí và trí tuệ để sáng tạo, thích nghi, tìm kiếm giải pháp, và vượt qua nghịch cảnh, từ đó xây dựng nên cuộc sống như ngày hôm nay. Mặc dù hiện tại cuộc sống vẫn còn không ít thiếu sót, nhưng nó vẫn tốt đẹp và đầy đủ hơn rất nhiều so với trước đây. Vậy thì những thiếu sót và áp lực nhỏ hiện tại đâu phải là lý do để chúng ta tự tạo ra những ảo giác về sự dễ tổn thương hay các vết rách tinh thần, để rồi cần trốn tránh thực tại và tìm kiếm sự chữa lành?
Giải pháp, đôi khi, lại đơn giản hơn chúng ta nghĩ: bỏ từ “chữa lành” ra khỏi vốn từ, khỏi cách nghĩ, và tập trung vào việc xây dựng một văn hóa sống có kỷ luật và trật tự. Quan trọng hơn cả, là hành trình tự thân tìm kiếm ý nghĩa sống đích thực. Ý nghĩa cuộc sống được hình thành từ sự tương tác giữa bản thân với con người, sự vật, và sự việc xung quanh. Đứng trước những áp lực và thử thách hàng ngày của cuộc sống, nếu biết tu kham nhẫn, chúng sẽ trở thành cơ hội để rèn giũa bản thân, tạo điều kiện để con người sáng tạo, vượt qua giới hạn, từ đó hoàn thành được những mục tiêu lớn lao. Cho nên, điều cần chữa lành không phải là những bất mãn vì bị sếp nhắc nhở vì uống cà phê trong giờ làm, mà là môi sinh đang bị hủy hoại, là trái đất đang đứng trước bờ vực của biến đổi khí hậu, là những cuộc chiến tiêu diệt nền văn minh và những giá trị nhân bản của con người. Sự chữa lành đích thực bắt đầu từ ý thức trách nhiệm với cộng đồng và hành tinh này. Đó cũng là nơi khoa học về lòng biết ơn đóng vai trò quan trọng, giúp chúng ta trân trọng những điều nhỏ bé, nuôi dưỡng sự bền bỉ để vượt qua khó khăn, và tìm thấy sự cân bằng. Chữa lành không phải là trốn tránh thực tại, mà là đối mặt với nó bằng tâm thế biết ơn và khao khát đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn.